Hiển thị các bài đăng có nhãn Ấn Độ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ấn Độ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Du lịch Bắc Ấn trải nghiệm thiên đường trên mặt đất

Bắc Ấn vốn là khu vực không nên bỏ qua cho những ai yêu thích trải nghiệm văn hóa bản địa. Nơi đây vừa có nhiều địa điểm hành hương, trekking, cắm trại lẫn nhiều nơi tham quan đậm chất khám phá, được rất nhiều phượt thủ ưa chuộng. 


Ladakh



Đây từng là một phần của Tây Tạng trước khi thuộc về Ấn Độ. Do đó, Ladakh mang đậm văn hóa Tây Tạng với nhiều thánh địa nằm xen giữa các dãy núi. Đi Ladakh khá giống Hà Giang Việt Nam do cung đường khá đẹp. Đây cũng nút thắt quan trọng trên con đường tơ lụa xưa kia. Một điều cần lưu ý ở Lakdah là bạn sẽ phải ăn chay vì thịt lợn bị cho là dơ bẩn, bò là vật thiêng nên chỉ lấy sữa, gà thì không nuôi được.


Một số địa điểm tham quan ở đây gồm có tháp Shanti Stupa được xây bởi người Nhật, tu viện Namgyal Tsemo được xây trên pháo đài đã sụp đổ với bức tượng Maitreya Buddha được tạc hoành tráng, sân đấu Ladakh Polo - nơi cưỡi ngựa và chơi cầu từ ngàn xưa đến nay vẫn được sử dụng cho những buổi lễ hội… Các đền tháp và tu viện đều có cờ phong mã (cờ lungta) nhiều màu sắc đại diện cho Tam Bảo của đạo Phật. Nếu thấy cờ rơi thì bạn cũng đừng giẫm lên vì đây là điều cấm kỵ.

Thung lũng Nubra



Thung lũng Nubra, còn gọi là thung lũng hoa, với nhiều sa mạc, nhưng có sông Shyok và Nubra chảy qua, tạo thành vùng ốc đảo màu mỡ trồng nhiều lúa mì, khoai, đậu và các loại hạt. Giữa thung lũng là làng Diskit và làng Hunder với nhiều đàn lạc đà hai bướu đặc trưng. Cung đường đèo chạy xuống thung lũng rất đẹp và còn có cả tuyết rơi trên sa mạc vào mùa đông.


Khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10 là mùa thấp điểm. Đi trong khoảng thời gian này vừa ít người, trời se lạnh lại xong vụ mùa gặt nên cây cối vàng ươm trên mọi nẻo đường. Tượng phật Maitreya là điểm đến tham quan hút khách hành hương nhất. Nhưng đối với những ai thích nghỉ dưỡng thì không nên bỏ qua Nubra Organic Retreat.


Nubra Organic Retreat là khu vườn chuyên phục vụ đồ ăn tự cung tự cấp. Bạn sẽ được tham quan vườn rau trái, hái hoa quả và được chế biến thành buffet ăn ngay giữa vườn. Cảm giác mọi thứ xanh tươi ngay giữa sa mạc mênh mông thật sự là trải nghiệm khó quên. Ngoài ra, nơi đây còn có dịch vụ cưỡi lạc đà và xem múa hát truyền thống với giá 50 rupee/người, tương đương 35.000 đồng.


Hồ Pangong



Hồ Pangong có nghĩa là hồ của thảo nguyên cao. Đây là một hồ nước mặn, không có cá, nhưng rất xanh vì nồng độ muối cao. Mùa đông, hồ đóng băng thành một con đường băng bằng phẳng, nếu đi hết hồ thì sẽ đến Ladakh. Nơi đây cũng nổi tiếng khi bộ phim "Three Idiots" (3 chàng ngốc) được quay tại đây.


Đường đến hồ có tu viện Hemis, đèo Chang La, sông Pagal Naala, trang trại bò Yak, làng nghề làm lụa Kashmir và nhiều loài sóc chuột Marmot siêu dễ thương. Quanh khu vực hồ bán rất nhiều đồ ăn, chủ yếu là đậu và rau củ ninh nhừ kiểu cà ri, bánh nan, trà và chuối. Đặc sắc nhất là món Maggi (mì gói vị cà ri) và món Momo (há cảo chiên vị cà ri).

Cao tốc Manali



Con đường này dài 490 km, băng qua ba con đèo, rất nhiều ngọn núi và làng mạc. Đây gần như là con đường trải nhựa duy nhất giữa sa mạc mênh mông. Bạn sẽ được quan sát rất nhiều thứ thú vị hai bên đường như các loài báo tuyết, dê núi, linh dương, mèo tuyết… sống trong tự nhiên, các dạng ao hồ sông suối trong xanh và tuyết phủ trên các đỉnh núi cao. Bạn còn có thể ghé công viên sinh thái quốc gia Hemis với nhiều loài đặc trưng sống trên sa mạc.


Thời tiết trên cao tốc Manali vừa lạnh mà lại vừa nắng. Một kỷ niệm khó quên của chuyến đi là bạn nên ngủ đêm trên cung đường này và nhìn ngắm bầu trời sao hùng vĩ. Cảm giác lúc đó sẽ không khác gì hòa mình vào vũ trụ bao la.


Thung lũng Spiti



Spiti nghĩa là ở giữa, do đó thung lũng này cũng là vùng chuyển tiếp giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Ở đây có hai tu viện lớn là Tabo và Kye.


Tabo nằm trong một lòng chão lõm, xung quanh là nhà dân, và có rất nhiều hang động khoét vào núi đá quanh tu viện dành cho thiền sư tu tập. Khu vực lân cận Tabo monastery có rất nhiều vườn táo trĩu quả chứ không hề khô cằn sỏi đá.


Kye thì lại nằm giữa thung lũng bạt ngàn với nhiều làng mạc. Trong đó có làng Komic, ngôi làng cao nhất thế giới, và làng Langza, nơi người dân thân thiện và nấu ăn cực ngon. Món cà ri đậu với khoai tây là đặc sản ở đây.


Ngoài ra, còn có làng Dhankar là ngôi làng lớn nhất nằm ngay rìa vách đá với khu vực hồ nước ngọt màu xanh ngọc bích tuyệt đẹp. Ở đây có các món trứng ăn với bánh mì, ngũ cốc và bánh crepe chuối rất ngon.


Theo Emdep.vn

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

10 loại bánh ngọt truyền thống có thể bạn chưa biết tên

Cùng khám phá 10 loại bánh ngọt truyền thống vô cùng nổi tiếng mà có thể bạn đã nhìn thấy nhưng chưa biết tên nhé! 

Pháp – Galette Des Rois


Galette Des Rois được làm bằng bột bánh mì khô rắc chút đường, nay đã trở thành một loại bánh ngọt khá phổ biến và bạn sẽ không quá khó khăn để tìm thấy loại bánh Vua này tại các cửa hàng bánh hoặc cà-phê ở Pháp.
Ngoài ra, nó còn được ưu ái với cái tên tiếng Anh “King’s Cake”. Người Pháp sẽ dùng chiếc bánh ngọt này được ăn sau Giáng sing hay trong tuần đầu tiên của tháng Giêng. Chiếc bánh thường có một hình nộm em bé nhỏ (được cho là đại diện cho Chúa lúc bé) làm bằng nhựa được giấu bên trong hoặc ở dưới và người nào tìm được miếng bánh có bức tượng trên sẽ nhận được nhiều quyền lợi và may mắn. 

Nhật Bản – Mochi


Người Nhật Bản cúng bánh Mochi vào các ngày Tết, Tết Trung Thu… để cầu nguyện cho sự trường thọ. Vào những ngày truyền thống, người Nhật cột bánh Mochi trên thanh tre dài và nướng trong đống lửa. Họ tin rằng ăn bánh Mochi nướng tại lễ Dondo-yaki sẽ mang lại sức khỏe suốt cả năm. Bánh Mochi cũng có mặt trong lễ dựng nhà mới Choto-shiki của người Nhật.

Đức – Black Forest Cherry Cake 


Loại bánh ngọt này có nguồn gốc từ phía Đông Nam nước Đức, khu vực Rừng Đen (Schwarzwälder). Khu rừng này có rất nhiều cây anh đào. 
Theo một tục lệ từ xưa, khi mỗi đôi trai gái cưới nhau, họ đến đây và trồng một cây anh đào, cũng chính vì câu chuyện đó mà Rừng Đen trở thành một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch ở Đức. Từ hình ảnh đó, những người thợ làm bánh đã biến tấu các nguyên liệu để cho ra Black Forest Cherry Cake.

Ấn Độ - Mawa Cake 



Bánh Mawa bao gồm sữa, có một chút hương vị của cây bạch đậu khấu và các loại hạt như hạnh nhân hoặc hạt điều. Mawa là sữa đông cứng thu được qua quá trình nấu sữa rất chậm để chất lỏng bay hơi. Đây là loại bánh truyền thống ở Mumbai.

New Zealand và Australia – Pavlova 


Được đặt tên theo tên của vũ công ba lê nổi tiếng người Nga – Anna Pavlova, chiếc bánh ngọt này được tạo ra trong chuyến thăm New Zealand của nữ vũ công. Nhắc tới Pavlova, lập tức người ta nghĩ đến đặc trưng nổi bật của nó: chiếc bánh không làm từ bột mì hay các nguyên liệu ngũ cốc.

Pavola đơn thuần là làm từ lòng trắng trứng đánh bông với không có cốt bánh bông lan như những loại bánh kem khác. Bên ngoài bánh bao phủ bởi nhiều loại trái cây khác nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ - Revani 


Người Thổ Nhĩ Kỳ làm Revani từ bột hòn (đây là một loại bột dùng làm bánh pudding của người phương Tây), trứng, đường, và bột mì. Sau đó, bánh lại được kết hợp với một loại si-rô đặc trưng của Thổ Nhĩ Kì làm từ đường kính, nước và chanh.

Bánh Revani được thưởng thức rất đặc biệt. Người Thổ không ăn lạnh cũng không ăn nóng, họ để nó cùng với nhiệt độ phòng. Nếu muốn tăng thêm hương vị khác biệt, khi ăn, họ sẽ thêm một chút kem sữa vào bánh của mình.

Mexico – Tres Leches Cake 


Tres Leches Cake không chỉ là chiếc bánh truyền thống của Mexico mà nó đã trở thành một loại bánh phổ biến ở khắp Nam Mỹ. Tres Leches Cake được ngâm trong ba loại sữa, Sữa sẽ cô đặc và bốc hơi thường xuyên. Lớp kem phía trên cùng dùng để tăng tính hấp dẫn cho món bánh thường được đánh bằng kem hoặc từ lòng trắng trứng đánh bông với đường. 

Italia – Panettone 


Panettone là một loại bánh mì ngọt truyền thống của Italia, bắt nguồn từ phía Bắc của nước này. Panettone là món bánh ngọt tráng miệng không thể thiếu trong những bữa ăn vào dịp Giáng sinh và đêm giao thừa của người Italia. 

Nhân của những chiếc bánh Panettone có thể được làm từ các loại kẹo dẻo trái cây hay nho khô. Thông thường, Panettone ăn kèm với các loại rượu hoặc các loại đồ uống nóng như sôcôla nóng.

Nam Phi – Vetkoek “Fat Cake”


Những người dân Hà Lan nhập cư đến Nam Phi đã mang theo chiếc bánh Vetkoek vào khoảng năm 1800, sau đó chiếc bánh “Fat Cake” đã trở nên phổ biến hơn ở các nước này. 

Bánh có hình tròn nhỏ và chiên trong dầu (có phải vì lẽ đó mà người Nam Phi đã hài hước gọi nó là Bánh Béo). Vetkoek có thể gồm hai phiên bản: bánh ngọt chứa đầy phô mai hay mứt, bánh mặn lại gồm các loại thịt khác nhau.

Scotland – Dundee cake 


Bánh Dundee là bánh trái cây truyền thống của Scotland được làm từ nho khô và cà chua. Ở một số phiên bản Dundee khác bạn sẽ thấy có cả quả anh đào. Chiếc bánh truyền thống của người Scotland xốp, nhẹ và có hương vị rất phong phú. Để thêm hương vị và độ ẩm, người ta thường thêm rượu Whisky Scotland vào bánh.

Cũng như những chiếc bánh truyền thống khác, Dundee thường được người Scotland ăn vào những ngày đặc biệt như Giáng sinh. 

Nguồn ảnh: Internet
Tham khảo: Tạp chí Elle Việt Nam 

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Nhập gia tùy tục để tránh những sự cố khi đi du lịch

Mỗi quốc gia sẽ có một vài điểm khác biệt trong cách ứng xử và văn hóa giao tiếp, vậy nên "nhập gia" thì phải "tùy tục". Linh hoạt trong lời nói, hành động để có một chuyến du lịch bổ ích, vui vẻ mà không gặp phải những sự cố đáng tiếc khi thiếu hiểu biết về con người và tập tục nơi bạn đến. 

Bày tỏ lòng thành kính ở Thái Lan


Quốc giáo của Thái Lan là Phật giáo. Vì vậy, họ rất coi trọng tầng lớp tăng lữ, tu hành. Bạn nên bày tỏ lòng thành kính của mình mỗi khi gặp các sư thầy.Không được phép có những lời nói hoặc hành động xúc phạm đến Đức Vua, thậm chí là không được xé hình Đức Vua. 

Cẩn thận khi dùng cử chỉ bằng tay khi đến Bali (Indonesia)


Tại thiên đường du lịch biển đảo này, bạn cần phải hết sức cẩn trọng khi lựa chọn đồ tắm vì người dân ở đây khá bảo thủ và họ là những người theo đạo Hồi.

Khi giao tiếp với người bản địa, hãy hết sức lưu ý đến cử chỉ tay. Nếu bạn sử dụng ngón trỏ để chỉ, điều này sẽ bị coi là vô cùng thô lỗ. Việc ăn bằng tay trái cũng bị người Bali cho là không lịch sự.

Mời rượu những người khác ở Nhật Bản và Hàn Quốc


Sẽ là một sai lầm rất lớn nếu bạn tự rót rượu cho mình tại Nhật Bản vì việc mời rượu những người khác thể hiện phép lịch sự cơ bản. Dù bạn chỉ ăn uống xã giao với một vài người bạn, việc tự mình rót thêm rượu cũng được coi là thiếu lịch sự. Nếu là người khui rượu, bạn nên rót hết cho tất cả mọi người trước rồi mới rót cho bản thân. Người Nhật Bản sẽ rất coi trọng chuyện đó.

Ở Hàn Quốc, phong tục rót rượu tương đối khác với Nhật Bản vì bạn chỉ cần phải mời rượu khi đi chung với những người thuộc tầng lớp cao hơn hoặc tiền bối của mình. Nếu họ mời bạn uống, hãy dùng hai tay và nâng ly lên để bày tỏ sự tôn trọng. Khi rượu được rót ra, hãy làm những hành động giống như đang ngửi rượu. Việc đó được cho để tỏ lòng kính trọng với những người lớn tuổi và nhiều người Hàn Quốc vô cùng để ý đến chuyện này. 

Khi đến Paris, hãy chú ý các quy tắc trong ăn uống 


Người Pháp chỉ bắt đầu bữa ăn sau khi bàn ăn đã sẵn sàng cho tất cả mọi người. Khi ăn họ luôn ngồi thẳng lưng khi đưa thức ăn vào miệng. Và điều quan trọng nhất là khi nhai thì mím miệng và tuyệt đối không nhai và mở miệng cùng 1 lúc như thế sẽ rất mất lịch sự.

Người dân ở đây khá coi trọng những nguyên tắc. Nếu bạn muốn gọi thêm một chiếc bánh sừng bò, tốt nhất hãy thật lịch sự nói với người phục vụ. Bạn nên chào hỏi mọi người trước, dù là vào nhà hàng, khách sạn hay bất kỳ cửa hàng nào. 

Những chiếc bánh mì trong nhà hàng cũng có những quy tắc nhất định. Bạn không nên ăn khi người phục vụ vừa mang ra mà hãy để nó lại cho phần ăn tiếp theo với phô mai. 

Không ăn uống trên phương tiện công cộng khi đến Singapore


Singapore nổi tiếng là đất nước sạch hàng đầu thế giới, do đó vấn đề về an toàn sức khoẻ và vệ sinh môi trường vô cùng được chú ý. Luật Singapore quy định không ăn uống trên tàu ngầm, xe buýt…nếu vi phạm sẽ bị phạt hành chính để răn đe. 

Đừng chạm vào người khác giới nơi công cộng tại Ấn Độ 



Vì rất nhiều lý do về văn hóa, tôn giáo mà khi đến Ấn Độ, bạn đừng bao giờ chạm vào người khác giới. Đó là hành động cấm kị và bất lịch sự đối với họ. Nếu không cẩn thận, bạn có thể sẽ bị mời về sở cảnh sát. 

Không dùng tay nhận tiền thối lại ở châu Âu 


Khi bạn mua bất cứ thứ gì ở chợ hoặc cửa hàng tại châu Âu, người bán hàng thường đặt tiền của bạn xuống quầy hoặc đặt trong một cái đĩa cong nhỏ thiết kế đặc biệt để đặt tiền thối. 

Người châu Âu không thích đưa tiền thối lại trực tiếp vào tay bạn - ngay cả khi bạn đang đứng trước mặt họ và đã sẵn sang đưa tay nhận số tiền thối lại của mình. Vậy cho nên, bạn hãy đợi người bán hàng đặt tiền xuống quầy, rồi mới lấy lại tiền thừa, tuyệt đối không nên vội vàng lấy tiền từ trên tay họ. Điều đó sẽ khiến nhiều người khó chịu. 

Đừng làm động tác Ok ở Thổ Nhĩ Kỳ 


Đây là hành động phổ biến trên toàn thế giới nhưng kì lạ thay ở đất nước Thổ Nhĩ Ky, động tác Ok thể hiện cho sự tục tĩu. Hãy nhớ kĩ điều này để không trở thành kẻ kì quặc và bất lịch sự khi đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ nhé! 

Đến Dubai đừng thể hiện tình cảm trước mặt mọi người


Bạn biết không, nếu đến Dubai mà bạn thể hiện tình cảm trước mặt mọi người như nắm tay, ôm, hôn nhau được xem là phạm pháp. Điều này thật sự khó hiểu đối với hầu hết các du khách nhưng nhập gia là phải tuỳ tục nên bạn hãy tuân thủ điều này khi đến Dubai.


Nguồn ảnh: Internet
Tổng hợp. 

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Con đường đặc biệt chỉ xuất hiện vào mùa đông

Mùa hè, sông Zanskar chảy ở các hẻm núi sâu của dãy Himalaya nhưng đến mùa đông, nó biến thành một con đường băng đá dày và là lối đi duy nhất ở vùng núi hiểm trở và biệt lập này.

Biệt lập trong hàng thế kỷ

Bao quanh là rất nhiều núi cao của dãy Himalaya hùng vỹ, ước tính độ cao trung bình của các đỉnh núi là 3.600 m, đỉnh cao nhất của khu vực thung lũng Zanskar (Ấn Độ) là 7.000 m nên nơi này bị tách biệt với thế giới bên ngoài trong hàng thế kỷ. Zanskar là một phần của vùng Ladakh mà người dân nhắc đến là: "Vùng đất cằn cỗi và quá cao tới nỗi chỉ có những kẻ thù hung dữ nhất hoặc bạn bè tốt nhất mới muốn đến đây thăm chúng tôi".

Điểm sáng

Nằm biệt lập so với thế giới vì đặc điểm địa lý và không bị ảnh hưởng bởi bên ngoài, Zanskar vẫn là một trong những thành lũy cuối cùng của nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng cổ. Tuy nhiên, thung lũng này dần trở thành một điểm sáng trong vài năm trở lại đây khi BBC tới đây quay chương trình Human Planet. Chương trình nói về những đứa trẻ phải đi bộ khoảng 100 km để tới trường học sau kỳ nghỉ đông.

Những thay đổi

Ban đầu Zanskar là một cộng đồng dân cư nhỏ bé tự duy trì bằng các hoạt động như chăn nuôi gia súc, trồng trọt. Tuy nhiên cùng với những thay đổi, giáo dục dần trở thành ưu tiên hàng đầu, trẻ em được gửi tới các thị trấn lớn như Kargil hay Leh để đi học.
Vào mùa hè, người dân địa phương gửi con cái tới trường, đi buôn bán hoặc tìm việc bên ngoài bằng cách đi qua một con đường có từ năm 1979 để kết nối vùng thung lũng xa xôi với Kargil. Trước khi có đường đi, người dân phải di chuyển rất vất vả vượt qua các địa hình núi cao để ra ngoài vào mỗi mùa hè.

Con đường băng thay thế

Vào mùa đông, tuyến đường dài 230 km xuyên qua vùng núi cao 5.000 m gọi là Penzi La không thể sử dụng được vì những đợt tuyết lớn. Tuy nhiên, người dân Zanskar đã có một lối đi để ra khỏi thung lũng dù thời tiết lạnh lẽo. Đó chính là dòng sông Zanskar khi bị đóng băng ở nhiệt độ - 40 độ C, nước sông đông cứng tạo lớp băng dày trên bề mặt. Mọi người gọi đây là Chadar, liên kết Zanskar với các vùng bên cạnh vào các tháng đông giá lạnh.

Xem thêm: Lên núi lửa ở Gia Lai ngắm hoa dã quỳ

Sự phức tạp của băng đá tự nhiên

Từ lớp băng cứng trải rộng khắp vùng, tuyến Chadar bao quanh cả một khu cảnh quan khổng lồ. Dòng chảy nhanh sâu phía dưới các phiến băng và điều kiện thời tiết tạo ra áp lực cực lớn lên bề mặt băng đông cứng.

Nghệ thuật đi bộ trên băng

Tuyến đường bằng băng Chadar dài chừng 100 km là lối đi duy nhất cho những người dân sống trong vùng thung lũng hẻo lánh Zanskar. Sự di chuyển này chỉ diễn ra vào khoảng tháng 1, 2 dù khi đó điều kiện tự nhiên thử thách con người với bề mặt sông vừa tan vừa đóng băng. Tuy vậy, người Zanskar vẫn đi bộ ở khu vực tưởng chừng không thể vượt qua này.

Kỹ năng đi trên mặt băng

Đối với người ở nơi khác tới phải mất khoảng 7 - 10 ngày mới đi hết Chadar, tuy nhiên đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ Zanskar chỉ tốn 4 ngày di chuyển. Họ mang theo hành lý bằng một chiếc xe gỗ kéo. Họ kéo chúng qua mặt sông đóng băng một cách nhanh nhẹn, rất hiếm khi bị trượt, ngã.

Cầu nguyện cho chuyến đi an toàn

Ở vùng đất khắc nghiệt, niềm tin kiên định trở thành một chỗ dựa vững chắc. Người Zanskar tin vào các vị thần sẽ phù hộ cho họ khi vượt qua chặng đường khó khăn một cách an toàn. Họ treo rất nhiều cờ, cắm hương trầm và khata (một loại khăn truyền thống trong các lễ hội) bên lề đường.

Nơi trú ẩn tránh lạnh giá

Những vách đá bao quanh con sông băng trong hẻm núi ẩn chứa một số động nhỏ có thể trở thành nơi ở tạm thời cho người dân trên đường di chuyển. Dân bản xứ đã dùng các hang này từ hàng thế kỷ qua như điểm tạm dừng, họ nói rằng những không gian nhỏ này khá là ấm cúng và có thể giữ nhiệt.

Những mối đe dọa tới vùng hoang dã

Từ xưa, khi con đường băng giá hình thành từ mặt sông vẫn còn là một cảnh tượng thiên nhiên hoang tàn. Nơi đây chỉ xuất hiện một số loài vật như cừu xanh hay báo tuyết. Ngày nay, con người đã có mặt ở hầu hết các chặng của tuyến đường. Chadar được mệnh danh là "tuyến trekking hoang vu nhất trên thế giới", tuy nhiên các tác động thương mại và du lịch đang đe dọa hệ sinh thái nhạy cảm và nền kinh tế của khu vực.

Xem thêm: Hành trình theo chân các nhà thám hiểm vĩ đại

Tác động từ biến đổi khí hậu

Năm ngoái, một vụ lở đất ở gần sông Zanskar đã làm cho tuyến đường bộ bị đóng cửa suốt mùa đông. Năm nay, băng không hoàn toàn đông cứng làm cho người dân địa phương chờ hoặc buộc phải vượt qua vùng nước lạnh. Với một con đường mới đang xây dựng và nhiệt độ tăng lên từng ngày, tuyến đường bằng băng đá tuổi đời hàng thế kỷ của vương quốc cổ đại ở Zanskar sẽ sớm chỉ còn trong truyền thuyết.


Theo BBC, Vnexpress

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Kumbhalgarh - Vạn Lý Trường Thành của Ấn Độ

Nằm phía tây Ấn Độ, pháo đài Kumbhalgarh là thành trì quan trọng thứ hai dưới triều đại Mewar, được xây dựng từ thế kỷ 15 và mất cả trăm năm để hoàn thành.
Xem thêm: Khám phá 3 thành phố đẹp nhất Ấn Độ
 
Nằm gọn trong phạm vi vùng núi Aravali và bao quanh bởi 13 đỉnh núi cao, công trình này được xây dựng từ thế kỷ 15 bởi Maharana Kumbha và là một trong 32 pháo đài do hoàng tộc Rajput của vương quốc Mewar xây dựng. Nó nằm cách thành phố Udaipur 84 km về phía bắc, ở bang Rajasthan.


Các pháo đài được bao quanh bởi một bức tường có chu vi dài 36 km, và chiều rộng thay đổi từ 4,5 đến 7,6m.

Tài liệu cổ ghi rằng 8 con ngựa vừa đủ để có thể đi cạnh nhau trên tường thành.

Những bức tường khổng lồ tại Kumbhalgarh mất gần một thế kỷ để xây dựng, rất kiên cố và bất khả xâm phạm. Nhiều người gọi Kumbhalgarh với cái tên trìu mến như Vạn Lý Trường Thành ở Ấn Độ.

Khu thành trì này tự hào có 7 cổng lớn và 7 thành lũy kéo dài thẳng tắp, được bao quanh bởi các pháo đài và tòa tháp canh vĩ đại. Bên trong các bức tường thành lớn ấy là 360 đền thờ và cung điện tráng lệ thờ các vị thần Hindu và Phật được đặt trên đỉnh cao mang tên "Badal Mahal" hay "Cung điện trên mây". Đứng trên đỉnh, bạn dễ dàng phóng tầm mắt ra xa hàng cây số ngắm nhìn dãy núi Aravalli uốn lượn ngoạn mục và các cồn cát cao của sa mạc Thar.

Truyền thuyết kể rằng Maharana Kumbha phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi xây dựng các pháo đài. Lúc đó, một vị pháp sư đã phán rằng, chỉ khi có sự hy sinh tự nguyện của con người thì việc xây dựng mới diễn ra thuận lợi. Cuối cùng, có một người tình nguyện và ngôi đền được xây dựng ở nơi đầu và máu người ấy đã rơi. Ngày nay, ngôi đền thờ của người tình nguyện viên vô danh có thể tìm thấy ở gần cổng chính của tường thành.

Theo những câu chuyện dân gian kể lại, Maharana Kumbha từng thắp những ngọn đèn lớn có sức tiêu thụ 50 kg bơ sữa trâu lỏng và hàng trăm kg bông để cung cấp ánh sáng cho những người nông dân làm việc suốt đêm trên thung lũng.

Vào những thời khắc nguy hiểm, khu thành trì này trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các đế chế cai trị của vương triều Mewar.

 Đây cũng là nơi người chiến binh vĩ đại Maharana Pratap được sinh ra và đào tạo.

Các pháo đài là nơi chỉ đạo các cuộc tấn công và trong lịch sử nó từng bị thất bại một lần khi kẻ phản bội đầu độc nguồn nước bên trong thành, để vua Mughal Akbar và các lực lượng từ Delhi, Amer, Gujarat, và Marwar dễ dàng thâm nhập, phá phỡ tuyến phòng ngự kiên cố của vương triều Mewar.

(Theo Amusing Planet)

Bài đăng phổ biến